Thao túng tâm lý là hành vi khai thác, lạm dụng cảm xúc để gây ảnh hưởng và kiểm soát người khác. Khi một đối tượng thực hiện hành vi trên, thì mục đích thường thấy của họ là mong muốn đối phương nghe theo mình. Hãy cùng tìm hiểu các kiểu thao túng tâm lý trong một mối quan hệ và cách đối phó với chúng.
Thông thường, một người chọn thao túng tâm lý nhằm đạt mục đích kiểm soát kẻ đối diện để có được thứ họ muốn, hoặc để bảo vệ các tôi và tránh chịu trách nhiệm về hậu quả mà bản thân họ gây ra.
Bên cạnh đó, có những người không chủ đích thao túng trong một mối quan hệ, mà hành động của họ có thể xuất phát từ quá trình trưởng thành trong môi trường gia đình không lành mạnh, những căng thẳng thời thơ ấu. Họ có thể đã bị cha mẹ thao túng về mặt cảm xúc, từ đó và học cách tương tác với người khác thông qua những gì họ quan sát và trải nghiệm.
Những người có vấn đề về tâm lý, cảm xúc hay có mức độ căng thẳng, lo lắng cao cũng thường sử dụng hành vi thao túng tâm lý cao hơn. Trong một số trường hợp, hành động này cũng thể hiện tình trạng sức khỏe tâm thần không ổng định.
1. Các dấu hiệu thao túng tâm lý phổ biến
Gaslight
Nếu một người châm chọc, nói dối hoặc đổ lỗi cho bạn, khiến bạn hoài nghi, không còn tin tưởng vào bản thân,… thí có thể người đó đang có hành vi gaslight. Đây là quá trình xảy ra chậm và khó nhận biết. Bạn có thể thấy chúng thông qua một số mẫu câu ví dụ như “Anh đã quá nhạy cảm”, “Chuyện không có gì, không nên làm quá lên như vậy”, “Chỉ có kẻ điên mới như vậy”,…
Điều này có vẻ vô hại, nhưng khi lặp lại liên tục, bạn sẽ ngờ vực chính bản thân, thậm chí lo lắng, sợ sệt, mất khả năng nhận thức đâu là sự thật. Người có hành vi này có thể phủ nhận việc làm sai trái từ phía họ và khẳng định quyền kiểm soát đối với những gì bạn nghĩ, bạn làm.
Hành vi gây hấn thụ động
Hành vi gây hấn thụ động là việc một người không trực tiếp bày tỏ cảm xúc và mong muốn thực sự của họ. Thay vào đó, họ né tránh những cuộc trò chuyện, thảo luận mang tính xây dựng mà chọn cách im lặng, trì hoãn hoặc mỉa mai, châm biếm những điều họ không đồng ý. Điều này khiến đối phương cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Sau đó, đối phương sẽ cố gắng làm vừa ý người gây hấn thụ động vì không muốn tiếp tục kéo dài tình trạng trên.
Nói dối và đổ lỗi là dạng thao túng tâm lý khá phổ biến
Một người thao túng tâm lý cũng thường tránh việc phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Họ có thể nói dối hoặc phóng đại mọi thứ để khắc họa hình tượng bản thân theo hướng tích cực hơn. Họ thậm chí có thể đổ lỗi cho bạn, khiến bạn nghi ngờ bản thân và những gì thực sự đã xảy ra.
Nhiều người cho rằng có những lời nói dối vô hại, nhưng với những trường hợp này thường có mục đích thao túng, đánh lừa bạn.
Ép buộc và đe dọa
Nếu một người đe dọa hoặc dùng vũ lực để bắt bạn làm điều gì đó theo ý họ, thì đây chính là một trong những hành vi thao túng tâm lý. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ yêu đương, nhiều cặp đôi gặp phải tình trạng người yêu dọa sẽ chia tay và đối phương sẽ tìm cách giữ gìn mối quan hệ. Hay một số người có hành vi đe dọa sẽ tự hại chính mình và ép buộc người khác phải thực hiện theo mong muốn của họ.
Im lặng và rút lui
Một dấu hiệu khác của sự thao túng tâm lý là đối tác của bạn im lặng và rút lui khỏi cuộc đối thoại. Họ ngừng giao tiếp, không muốn tiếp tục những hành vi yêu thương hay thậm chí là tình dục như một cách để “trừng phạt” cho đến khi bạn cảm thấy bức bối, khó chịu và bắt buộc phải nhận lỗi về bản thân.
Cách ly
Đây là một hành vi thao túng tâm lý khi một người cố giành được sự ủng hộ của bạn bè, người thân của bạn, hoặc tách bạn khỏi các mối quan hệ trên để khiến bạn thực hiện theo những điều người đó muốn.
2. So sánh cách tiếp cận trung thực và hành vi thao túng tâm lý
Tiếp cận trung thực:
– Em muốn đi xem phim tối nay. Anh có muốn đi cùng em không?
– Hãy cho em biết nếu ngày mai anh có thể đón mấy đứa nhỏ từ trường về.
– Em muốn nói chuyện với anh về điều đó khi anh có thời gian.
Hành vi thao túng tâm lý:
– Nếu anh yêu em thì tối nay phải đi xem phim cùng em.
– Nếu anh không đón bọn trẻ thì anh hoàn toàn không quan tâm đến chúng.
– Em cần nói chuyện với anh về vài thứ nhưng em biết dù sao anh cũng chẳng có thời gian cho em.
Các ví dụ về hành vi thao túng trên sử dụng thủ thuật khiến bản thân người nghe cảm thấy có lỗi. Chính những cảm xúc này mà người nghe sẽ muốn thực hiện những điều đó chỉ để chứng minh bản thân. Đa phần những câu nói trên đều không trực tiếp bày tỏ quan điểm, mong muốn, mà thay vào đó, họ lại gạt vấn đề sang một bên, sử dụng những cách diễn đạt khiến bạn phải xin lỗi hoặc cảm thấy bản thân tồi tệ.
3. Cách để ứng phó với hành vi thao túng tâm lý
Thao túng tâm lý và các hình thức lạm dụng tình cảm khác trong cuộc sống là điều mà không ai xứng đáng phải chịu đựng, chấp nhận. Bạn cần học cách ứng phó với nó.
Không né tránh vấn đề
Có thể bạn sẽ mất một khoảng thời gian để nhận ra bản thân đang bị thao túng, hay chính bạn là người có hành vi này. Điều quan trọng, bạn cần giải quyết chúng, dù bạn là mục tiêu hay thủ phạm.
Hãy cân nhắc trò chuyện trực tiếp, trung thực và bày tỏ quan điểm với đối tác để giải quyết hành vi thao túng. Nếu là người bị thao túng, bạn có thể kể lại những tình huống cụ thể về hành vi họ đã thực hiện, cũng như ảnh hưởng về mặt cảm xúc của chúng đối với bạn.
Ví dụ, bạn có thể nói: “Em im lặng khi không đồng tình với các quan điểm của anh nhưng lại không bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình, điều đó khiến anh cảm thấy rất chán nản. Vì vậy, em có thể nói chuyện về những gì đang xảy ra và chúng ta sẽ cùng tìm giải pháp cho chúng không?”
Tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp thao túng tâm lý
Như đã đề cập ở trên, hành vi thao túng có thể bắt nguồn từ các vấn đề tâm lý. Vì vậy, cả hai người cần có những cuộc thảo luận thẳng thắn về điều đó. Bạn có thể cân nhắc tham gia tư vấn về các mối quan hệ hoặc hôn nhân nếu cả hai đồng ý. Gặp chuyên gia trị liệu tâm lý cũng là cách giúp bạn hiểu rõ được gốc rễ tình trạng và hướng điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, trị liệu là cơ hội để cả hai hiểu rõ về điểm yếu của đối phương, từ đó thấu hiểu, đồng hành để cùng thay đổi tốt hơn, củng cố mối quan hệ.
Đặt giới hạn
Trong một mối quan hệ, đặc biệt là nếu một trong hai đang có hành vi thao túng tâm lý, thì việc thiết lập ranh giới vô cùng cần thiết. Hãy thảo luận với đối tác về những hành vi được chấp nhận và không được chấp nhận, cũng như hậu quả cụ thể.
Ví dụ, bạn có thể chia sẻ: “Nếu em tiếp tục ngắt lời và không quan tâm đến những cảm xúc mà anh đang thực sự phải trải qua, thì chúng ta nên ngừng cuộc đối thoại ở đây, cho đến khi cả hai có được cách giao tiếp hiệu quả hơn.” Nếu cô ấy vẫn tiếp diễn như cũ, không có thái độ tôn trọng, thay đổi thì bạn có thể cân nhắc về việc chấm dứt mối quan hệ.
Ngoài ra, những hành vi thao túng tâm lý có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn, như việc bị bạo hành về mặt ngôn từ, bạo hành thể chất, ảnh hưởng đến bạn bè, người thân của người bị thao túng. Vì vậy, bạn cần kiên quyết với những hành vi này.
Thể hiện lòng trắc ẩn
Nếu đã từng trải qua việc bị thao túng cảm xúc, bạn có thể có xu hướng dằn vặt, tự đổ lỗi, cảm thấy bản thân không tốt khi đặt ra và thực hiện các ranh giới với người thao túng. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn cũng cần có lòng trắc ẩn cho bản thân. Bạn phải thấu hiểu, chấp nhận và tìm cách bảo vệ chính mình để đạt được sự tôn trọng trong mối quan hệ đó. Bạn không thể kiểm soát hành vi của người khác, nhưng bạn có thể lựa chọn việc có ở bên họ hay không.
___________
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: verywellmind