Sức khỏe là một khía cạnh cần khai thác ở thời trang bền vững.
Hiện nay, có khá nhiều chất liệu tái chế được gán nhãn bền vững như cotton tái chế gốc thực vật, vải len tái chế có nguồn gốc động vật, v.v. Câu hỏi đặt ra là liệu các chất liệu này có thật sự bền vững hay là sản phẩm của quảng cáo xanh (greenwashing), và liệu bên cạnh yếu tố môi trường, sức khỏe người tiêu dùng có được đảm bảo? Hãy cùng Chaubuinet tìm hiểu qua bài viết hôm nay.
Cotton tái chế
Vải bông (Cotton), đặc biệt là sợi bông thường (conventional cotton) từ lâu đã được xem là loại sợi gây ô nhiễm môi trường và hao phí nhiều tài nguyên nhất trong quá trình trồng trọt. Vì vậy, sợi bông hữu cơ (organic cotton) được xem là lựa chọn bền vững lý tưởng nhất. Tuy nhiên, dựa theo báo cáo của The New York Times, có nhiều doanh nghiệp gian lận khi kiểm định chất liệu.
Bông tái chế (recycled cotton) được sản xuất bằng cách sử dụng lại chất thải bông sau công nghiệp và tiêu dùng. Theo Báo cáo Thị trường Vật liệu và Sợi của Sàn giao dịch Dệt may năm 2021, bông tái chế là một lựa chọn thay thế bền vững hơn cho cả bông thông thường và bông hữu cơ.

Tuy nhiên, sợi tái chế cũng sản sinh ra xơ vi mảnh (microfiber) và bụi vải trong quá trình xử lý quần áo, đặc biệt là khi giặt ủi. Các xơ vi mảnh hay bụi vải nhỏ có thể gây ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Tùy vào công đoạn xử lý của các doanh nghiệp mà số lượng xơ vi mảnh, bụi vải và độ bền của vải cũng khác nhau. Một điểm trừ nữa là khi sợi bông tái chế được dệt thành quần áo, các sợi này trở nên ngắn và khó xử lý hơn chất liệu ban đầu.
Polyester tái chế
Tương tự sợi Polyester truyền thống, Polyester tái chế (Recycled Polyester) cũng là một sợi nhân tạo tổng hợp. Tuy nhiên, thay vì sử dụng các nguyên liệu hoàn toàn mới, Polyester tái chế được tạo nên từ chính những vỏ chai nhựa cũ.

Hiện tại, một số sợi Polyester tái chế còn được xử lý công nghệ Wicking, tạo nên khả năng thấm hút cùng khả năng kháng tia UV tuyệt vời. Với ưu điểm này, bạn có thể vận động suốt ngày dài mà không sợ nóng, bí trong thời tiết nắng mưa thất thường tại Việt Nam.
Mặc dù sợi Polyester tái chế và RPET (polyetylen terephthalate tái chế) có những ưu điểm tuyệt vời, bạn vẫn nên kỹ lưỡng trong việc lựa chọn sản phẩm. Lý do là những loại sợi như vậy vẫn có khả năng tạo ra vi nhựa (microplastics) gây hại cho sức khỏe và môi trường.

Chất liệu len tái chế
Len (Wool) là một loại sợi bền từ động vật được biết đến với độ bền cao, chất liệu ấm áp và thoải mái. Tuy nhiên, len có giá cả khá đắt đỏ trên thị trường và ngành thời trang đang dần chú ý hơn đến các giá trị bền vững. Vì vậy, việc sử dụng lại những chất thải thừa là một bước đi tiên phong cho cả giá trị môi trường và hiệu quả kinh tế.
Công ty Manteco ở Ý xử lý len tái chế theo cách truyền thống, làm giảm đáng kể các tác động đến môi trường và đạo đức xoay quanh quyền động vật. Đồng thời, sợi tái chế đa dụng và dễ kết hợp với các vật liệu khác như lông cừu.

Cuối cùng, len tái chế hoàn toàn có thể phân hủy được và ít để lại vết carbon. Với chất liệu ấm ấp và thân thiện với môi trường, đây sẽ có thể là chất liệu được yêu thích trong mùa thu đông.