Một số “red flag” trong tình yêu dễ dàng bị bỏ qua mà chúng ta không ngờ rằng nó sẽ tác động rất lớn đến tinh thần và cuộc sống sau này. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
Khi rơi vào lưới tình, bạn có thể trở nên mù quáng trước những dấu hiệu “red flag”. Dĩ nhiên, khi cả hai tìm hiểu nhau, sẽ luôn có vài khoảnh khắc khó chịu. Nhưng nếu những chi tiết được ELLE Man đề cập sau đây xuất hiện, bạn cần nghiêm túc xem xét mối quan hệ của mình.
1. Hồ sơ hẹn hò không khớp với người thật
“Tất cả chúng ta đều muốn tạo những ấn tượng ban đầu tuyệt vời, nhưng không có nghĩa là biến chúng trở thành điều thiếu chân thực.”- Tiến sĩWisconsin, tác giả của Love More Fight Less, A Communication Workbook for Every Couple từng đề cập đến vấn đề này.
Nếu người đó nói rằng họ cao 1m8 trong khi thực tế chỉ có 1m6, hay họ nói mình là người thích đi bộ địa hình nhưng thực tế là tập thể dục trên những con đường trải nhựa, thì đồng nghĩa đối phương đang thiếu tự tin về bản thân. Những lời nói dối tưởng chừng vô hại này có thể trở nên trầm trọng hơn trong tương lai.
2. Liên tục nói người yêu cũ xấu red flag
Vài mối quan hệ có thể kết thúc một cách không êm đẹp, nhưng nếu đối phương không ngừng nói xấu người yêu cũ thì đó có thể là một “red flag”.
Một người không thừa nhận bất kỳ sai sót nào trong những cuộc chia tay trong quá khứ, đổ lỗi tất cả cho phía bên kia có thể sẽ gây trở ngại cho bạn khi hai người cãi nhau hoặc bất đồng quan điểm. Ngoài ra, bạn cũng có thể trở thành nạn nhân tiếp theo nếu chia tay họ.
3. Chiếm hữu, ghen tuông, có hành vi thiếu kiểm soát
Bản thân sự ghen tuông không hẳn là một red flag. Trên thực tế, chúng ta đều thấy chút khó chịu hoặc bất an khi người mình yêu vui vẻ với đồng nghiệp, bạn bè có ngoại hình hấp dẫn. Tuy nhiên, cách đối phương quản lý cảm xúc đó mới quan trọng.
Nếu người đó phản ứng gay gắt, kiểm soát và yêu cầu bạn không đi chơi, trò chuyện hay tiếp tục các mối quan hệ xã giao thì đó là dấu hiệu của mối quan hệ không lành mạnh. Bạn nên cảm thấy thư giãn, an toàn khi yêu.
4. Cư xử thô lỗ với những người có địa vị thấp hơn
Điều này rất dễ nhìn thấy trong buổi hẹn hò đầu tiên. Những người phục vụ, lao động trong ngành dịch vụ, tài xế taxi thường bị đánh giá thấp do nghề nghiệp, địa vị trong xã hội. Vì vậy, bạn sẽ dễ dàng biết được quan điểm của họ thông qua cách hành xử với người làm ngành dịch vụ.
5. Mâu thuẫn, tranh cãi xảy ra liên tục
Thỉnh thoảng, chúng ta có thể tranh cãi về việc ai quên đổ rác, hoặc vô tình nặng lời trong khi đối phương có tâm trạng tồi tệ. Tuy nhiên, nếu xung đột xảy đến quá thường xuyên, thậm chí có hành động hung hăng, thì đó là “red flag” của mối quan hệ độc hại. Khi yêu, cả hai nên tìm cách hòa hợp và đem lại sự bình yên cho nhau.
6. Không giúp đỡ khi bạn trải qua thời gian khó khăn
Nếu bạn cực kỳ căng thẳng trước một buổi thuyết trình hay gặp biến cố gia đình thì đối phương nên là nguồn an ủi, nỗ lực xoa dịu và đồng hành cùng bạn. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên đổ vấn đề của mình lên họ và mong đợi họ đưa ra những giải pháp kỳ diệu. Nhưng người quan tâm đến bạn sẽ nỗ lực động viên. Đó có thể chỉ là một cái ôm, sự lắng nghe, khích lệ để bạn dễ chịu hơn.
7. Họ gặp tổn thương tinh thần và xem bạn như chỗ dựa duy nhất
Không phải những người bị chấn thương hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ nên yêu khi họ hoàn toàn được chữa lành. Tuy nhiên, họ phải người nhận thức được bản thân và ảnh hưởng của căn bệnh đến người khác như thế nào. Họ cũng cần tìm kiếm sự giúp đỡ như trị liệu, cải thiện dần qua các bài tập về sức khỏe tâm thần và không dựa hẳn vào bạn.
Trong mối quan hệ này, bạn sẽ là người hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn. Nhưng nếu người kia hoàn toàn phụ thuộc vào bạn thì đó là một “red flag” đáng báo động.
8. Liên tục khiến bạn nghi ngờ chính bản thân
Gaslighting là sự thao túng khiến bạn luôn nghi ngờ nhận thức của bản thân, mất niềm tin vào chính mình mặc dù thực tế bạn không sai trong các vấn đề đó. Câu nói kinh điển như “Anh/em đã quá nhạy cảm!”, “Em làm thế vì yêu anh” thoạt nghe rất bình thường, nhưng người bị thao túng sẽ nghi ngờ liệu bản thân có phản ứng thái quá.
Bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người khiến bạn cảm thấy an toàn như người thân, nhà trị liệu để thảo luận về những gì bạn đang trải qua và hiểu rõ hơn hành vi của họ.
9. Họ khó chịu khi bạn muốn dành thời gian cho bản thân
Bạn và đối phương có thể sẽ luôn muốn dành nhiều thời gian bên nhau khi mới yêu. Tuy nhiên, khi mối quan hệ phát triển lâu dài, chúng ta không thể mãi kéo dài “tuần trăng mật” ấy. Cả hai sẽ có những lúc cần không gian, thời gian để thư giãn, giải trí.
Nếu đối phương tức giận, khó chịu, khiến bạn cảm thấy tội lỗi khi đi chơi cùng bạn bè, dành thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần, hay đơn giản là không trả lời tin nhắn ngay lập tức thì đó có thể là dấu hiệu của tính chiếm hữu cao, một “red flag” của một mối quan hệ không lành mạnh.
__________
Bài: Thùy Dung