Mọi người ca ngợi Spotify vì đã xuất sắc chạm đúng mong muốn được “nhìn lại” và kích thích việc chia sẻ giữa các người dùng vào một khoảnh khắc có tính kết nối toàn cầu trong năm.
Bắt đầu từ chiến dịch “Year in review” vào năm 2015, đã thành thông lệ sau đó, cứ khi tháng 12 gõ cửa, Spotify đều công bố Spotify Wrapped – xếp hạng nghệ sĩ, album, bài hát, danh sách phát và podcast dựa trên thói quen nghe nhạc của người dùng.
Năm 2023, Spotify Wrapped 2022 đã chính thức mở màn vào ngày 29/11 và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người dùng. Bằng cách trực quan hóa dữ liệu người dùng với màu sắc, biểu tượng rực rỡ, Spotify đã thành công thu hút sự chú ý của người dùng, thôi thúc họ chia sẻ trên các mạng xã hội khác để khoe khoang về “chiến tích” nghe nhạc sau một năm của mình.
Spotify đã đầu tư cho trải nghiệm người dùng thế nào?
Chìa khóa cho việc tăng lượng thuê bao trả phí của Spotify đó là chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sự khác biệt cho bản trả phí, thuyết phục người dùng rằng chi phí bỏ cho phiên bản cao cấp này là hoàn toàn xứng đáng, họ sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng so với phiên bản miễn phí và không ngần ngại nâng cấp.
Bên cạnh đó, năm 2019, Spotify đầu tư 615 triệu Euro (tương đương 17 ngàn tỷ đồng) cho bộ phận Nghiên cứu và Phát triển để tối ưu trải nghiệm người dùng.
Với dữ liệu người dùng và công nghệ phân tích hiện tại, Spotify thực hiện chiến lược gồm 4 hoạt động đó là sắp xếp lại kho nhạc và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng của các danh sách phát nhạc, cá nhân hóa các danh sách phát, bản địa hóa và xây dựng các chiến dịch kết nối nghệ sĩ địa phương với người dùng.
Spotify Wrapped và cách kể chuyện thông qua dữ liệu
Tất cả dữ liệu do Spotify thu thập không chỉ dừng lại ở việc để nghiên cứu hay phân tích, mà nó còn cho phép tạo ra những nội dung tuyệt vời. Ứng dụng này đã biết cách biến nguồn dữ liệu khổng lồ thành những câu chuyện mang tính cá nhân. Không chỉ dành cho người dùng, những người muốn thể hiện kết quả nghe của họ, mà còn cho cả các nghệ sĩ đang muốn quảng bá sản phẩm của bản thân trên khắp thế giới.
Khi nhắc đến thành công của Spotify, Wired còn chỉ ra, ứng dụng này đã biết biến những thông tin về những bài hát người dùng từng nghe trở nên sống động hơn, thay vì chỉ là những dữ liệu “chết”. Nó có thể nói lên đời sống cá nhân, tâm trạng của người dùng. Ví dụ một người dùng nghe nhạc buồn quá nhiều nói lên rằng họ đang trải qua một thời gian khó khăn trong cuộc đời.
Spotify Wrapped, nhìn rộng ra chính là cách khai thác tâm lý số đông đầy bài bản của một doanh nghiệp lớn. Mọi người tán thưởng Spotify vì đã xuất sắc chạm đúng mong muốn được “nhìn lại” và kích thích việc chia sẻ giữa các người dùng vào một khoảnh khắc có tính kết nối toàn cầu trong năm. Đó cũng là sư khẳng định và tìm kiếm danh tính cá nhân từ phía người dùng.
Chẳng hạn, Spotify cho biết người dùng thuộc top 0.001% người nghe cuồng nhiệt của một nghệ sĩ nào đó, rằng họ nghe nhạc hơn 1000 giờ trong năm. Hay bất ngờ hơn, dữ liệu cho biết bạn nghe thể loại nhạc Pop nhiều nhất trong năm dù bạn tin rằng mình thích Rock.
Vì sao chúng ta luôn thích nhìn lại những sự kiện?
Không thể phủ nhận, các số liệu trên Spotify trở nên thú vị vì phản ánh chính xác thói quen nghe nhạc và giúp ta thêm thấu hiểu bản thân. Những dữ liệu này là cơ sở để chúng ta hiểu hơn về tình trạng sức khỏe, thói quen giải trí cũng như quá trình phát triển của bản thân.
Ngoài ra, việc hồi tưởng quá khứ cũng giúp mỗi người lạc quan hơn về viễn cảnh tương lai. Đặc biệt trong những lúc khó khăn, khoảng thời gian hạnh phúc sẽ nhắc nhở chúng ta rằng, sau cơn mưa trời lại sáng. Vì thế, những kỉ niệm được ghi lại sẽ là bảo tàng cảm xúc để ta lưu trữ và ghé thăm mỗi lúc cần tìm một điểm tựa và vững tâm hơn vào một năm mới đang đến.