Không có gì phải buồn khi bỏ lỡ cuộc vui!
Khi không còn bị cuốn vào cảm giác lo sợ đang bỏ lỡ cuộc vui ngoài kia hay những trào lưu đang nổi rần rần, bạn sẽ có thêm cho mình thời gian để sắp xếp cuộc sống và thực hiện những kế hoạch mà bản thân ấp ủ bấy lâu nay. Vấn đề là bạn chọn đối diện với sự “bỏ lỡ” đó như thế nào? Sắp hết 2022 rồi, bạn định FOMO tiếp, hay sẽ chuyển sang JOMO?
Cùng Chaubuinet chuyển hóa những nỗi sợ bỏ lỡ thành niềm vui tận hưởng nha!
FOMO (Fear of missing out) hay Nỗi sợ bỏ lỡ, là hiện tượng được tiến sĩ Dan Herman phát hiện và đặt tên năm 1996. Khi có quá nhiều lựa chọn thú vị, con người sẽ cảm thấy áp lực khi mình không được tận hưởng toàn bộ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học tại Carleton và McGill đã chứng minh rằng những sinh viên bị FOMO sẽ ngủ ít hơn và luôn trong trạng thái mệt mỏi (Theo Psychology Today).

Về bản chất, FOMO chưa bao giờ là một từ khóa mang ý nghĩa tích cực. Nghiên cứu chỉ ra hội chứng tâm lý này đa phần mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho cảm xúc và mức độ hài lòng cuộc sống của bạn. FOMO còn được xác định như là “biểu hiện sớm” của chứng lệ thuộc điện thoại di động (problematic smartphone use).
JOMO (Joy of missing out) là suy nghĩ đảo chiều với FOMO. Thuật ngữ này ra đời sau khi một doanh nhân viết về nó trên blog của mình năm 2012. Sau đó, nhà xuất bản New Society cho ra đời quyển sách The Joy of Missing Out: Finding Balance in a Wired World của tác giả Christina Crook.
JOMO là lối sống tận hưởng niềm vui khi bỏ qua những gì ‘có vẻ là vui’ mà người khác đang làm, để tập trung vào điều khiến bản thân thực sự hạnh phúc. Nếu FOMO luôn khiến bạn đắm chìm trong trạng thái ôm đồm thì JOMO là lối sống giúp bạn học cách nói “không”.

Với JOMO, bạn không cần so sánh cuộc sống của bạn với ai khác, thay vào đó, bạn tự biết cách để điều chỉnh và thích nghi với những băn khoăn về cái muốn làm và cái nên làm. Ví dụ, nếu xung quanh đều là những thông tin khoe việc mới, nhà mới, đồ mới của bạn bè mà bạn vẫn hạnh phúc cho họ và vui vầy với chú mèo nhà mình thì xin chúc mừng, bạn đã đạt đến cảnh giới JOMO.
Bỏ qua những cuộc vui tưởng khó nhưng không phải không thể. Nếu FOMO làm ta bị cuốn vào cuộc đua không đích đến, thì JOMO sẽ giúp bạn đặt sự quan tâm của mình vào đúng chỗ, đúng người, theo đuổi những điều tốt đẹp ở ngay trong tầm tay của mình chứ không nhìn sang bất kỳ ai khác.
Trong cuốn “Nghệ thuật tạo Hạnh Phúc” (The Art of Happiness), Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: “Chúng ta cần học cách muốn những gì chúng ta có, chứ không phải có những gì chúng ta muốn, vậy mới có được hạnh phúc bền vững và dài lâu.”

Từ FOMO đến JOMO – hành trình thay đổi từ những điều đơn giản:
- Điều chỉnh thời gian sử dụng mạng xã hội;
- Dừng việc làm nhiều thứ cùng lúc;
- Học cách nói “không”;
- Ngưng so sánh bản thân, học cách sống cho hiện tại;
- Thực hành lòng biết ơn.
“Niềm vui bỏ lỡ” khi đó tới từ sự chủ động nhận thấy điều gì là quan trọng nhất với bản thân và trân trọng trân trọng hiện tại mình đang có. Không còn bị cuốn vào cảm giác lo sợ đang bỏ lỡ cuộc vui ngoài kia hay những trào lưu đang nổi, bạn có thêm thời gian để sắp xếp cuộc sống và thực hiện những kế hoạch mà bản thân ấp ủ bấy lâu nay. Cơ hội sẽ luôn hiện diện, chỉ chờ bạn dứt khoát chối bỏ những cám dỗ của cảm giác “sợ bỏ lỡ” để chớp lấy nó.
Việc luôn thường trực ‘nỗi sợ bỏ lỡ’ sẽ “hấp thu” rất nhiều năng lượng của bạn. Thay vì lãng phí năng lượng vào sự bất an, bạn có thể tận dụng nguồn năng lượng đó vào công việc mình đang làm. Sáng tạo thứ gì đó của riêng bạn. Tin vào cách làm việc của mình. Hãy dành những thời gian quý giá của bạn ở hiện tại cho những điều thật sự xứng đáng để có thể giúp bạn phát triển bản thân.
Chia sẻ thêm cho các bạn đọc của Chaubuinet câu chuyện Châu đã trải qua và cách giúp Châu tạo niềm vui, tìm thấy hạnh phúc thực sự từ trong chính bản thân, làm sao để ở một mình vẫn vui? Chaubuinet tin rằng sẽ rất vui và chúng mình sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều đấy! Hy vọng video này sẽ giúp ích cho các bạn.
Bài viết được thực hiện bởi bạn Ha Chun trong chương trình “Sáng tạo content cùng Chaubuinet”!
