Nam Thi là một nhà thơ, một người nghiên cứu và một cố vấn ứng dụng văn hóa. Hoạt động ở nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực sáng tạo Nam Thi đã sở hữu cho mình những dự án thơ kết hợp cùng Biti’s, CHANEL,… Đặc biệt ở vai trò cố vấn ứng dụng văn hóa anh đã góp ý tưởng vào các MV nổi tiếng như Kẻ Cắp Gặp Bà Già (Hoàng Thuỳ Linh), Đôi Khi (Nodey ft. Suboi), Nam Quốc Sơn Hà (Erik)… và gần đây nhất là MV Đôi Mi Em Đang U Sầu của ca sĩ Đông Nhi.
Sau triển lãm thơ “Còn Hôm Nay, Ta Còn Mãi Mãi” vào đầu tháng 6 vừa qua, Chaubuinet đã có dịp trò chuyện với Nam Thi về tình yêu dành cho thơ và chia sẻ nhiều hơn công việc Cố Vấn Ứng Dụng văn hóa – công việc gần như chỉ có Nam Thi đang làm ở Việt Nam. Thơ có thể rất quen thuộc nhưng với Nam Thi bạn sẽ có được nhiều góc nhìn mới, cùng chaubuinet khám phá trong bài phỏng vấn này nhé!
Get to know Nam Thi!
Dùng 3 câu thơ để miêu tả bạn?
Thực ra chỉ có 1 câu thôi: “Tôi là một tiếng Việt”.
Thành phố nào có nhiều kỷ niệm với bạn nhất?
Hà Nội, thành phố của tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Lòng tôi luôn vẹn nguyên ở Hà Nội.
Một thần tượng của bạn trong nghệ thuật?
Thực ra là không có. Tôi yêu mến nhiều tài năng huyền thoại lẫn đương đại, nhưng tôi không có “ý thức thần tượng”.
Một tài lẻ của bạn mà ít người biết?
Tôi rất tự tin vào khả năng hát ru của mình. Tôi lớn lên bằng tiếng hát ru của cả bố và mẹ. Rồi vì hoàn cảnh hơi đặc biệt, tôi lại “nuôi tâm hồn” em trai bằng tiếng hát. Nên tôi ru trẻ nhỏ rất tốt đấy.
Nếu có được một siêu năng lực bạn sẽ chọn siêu năng lực gì?
Tôi thích khả năng tâm linh như Giáo sư X.
Câu hỏi về công việc và sự nghiệp
Vì sao bạn yêu thơ nhiều đến thế? Từ khi nào bạn bắt đầu sáng tác những bài thơ của riêng mình?
Thực lòng mà nói, tôi cũng không biết gì sao mình yêu thơ nhiều như thế, tôi nghĩ trong đời này, khi đã yêu thì sẽ chẳng biết vì sao. Nhưng ngay từ rất sớm, tôi đã ghi trong số tay của mình (và sau này câu đó đã được đưa vào để mở đầu cuốn sách đầu tay), rằng: “Trong gian khó tôi tị nạn vào thơ”.
Về quá trình bắt đầu sáng tác, tôi may mắn nhiều điều. Tôi có một gia đình mang căn cốt văn chương, từ nhỏ tôi đã sống trong khí quyển của Văn học Nghệ thuật. Khi lớn lên, hoàn cảnh gia đình không may mắn khiến tôi trở thành một cậu bé cô đơn giữa đời từ độ chưa kịp dậy thì, thế nên thơ trở thành nơi “tị nạn” rất tự nhiên. Nhưng không phải cứ thế là ra thơ đâu, tôi không phải một đứa trẻ có khả năng gì từ nhỏ, thậm chí còn kém cỏi. Nhưng tôi nhớ mãi đó là một ngày Hà Nội đón cơn mưa rào đầu tiên để chính thức mở mùa hạ, hôm đó tôi viết một cách rất tự nhiên, trong giây phút đó tôi cảm nhận rằng đây chính là thời điểm bắt đầu con đường thơ của mình.
Bạn thường lấy chất liệu từ đâu để sáng tác những bài thơ của mình?
Từ những tâm tư của mình và tất cả mọi người. Một người làm sáng tác nếu chỉ lấy chuyện của mình để viết thì sẽ rất đoản, còn nếu chỉ viết về người khác thì không thấy cá tính. Tôi xúc động với mọi sự chuyển động xung quanh, đó là chất liệu quan trọng nhất.
Bạn đã viết thơ cho chiến dịch thơ quảng cáo đầu tiên của bộ sưu tập Chanel Métiers D’Art từ nhà mốt CHANEL. Điều gì đã đưa bạn đến với CHANEL để thực hiện dự án này? Bạn có lo lắng khi đưa thơ vào quảng cáo sẽ làm mất đi ý thơ mà bạn muốn truyền tải? Điều khó khăn nhất đối với bạn khi thực hiện những dự án thế này là gì?
Bên cạnh là một người Thực hành thơ và làm Văn hoá, tôi đã công tác trong lĩnh vực báo chí/ tạp chí quốc tế từ rất nhiều năm rồi, nên bên CHANEL cũng đã biết đến khả năng ngôn ngữ của tôi để tìm đến và lựa chọn tôi.
Trong quá trình đưa thơ vào một sản phẩm quảng cáo như vậy tôi không có gì lo lắng, vì căn bản nhà CHANEL là thương hiệu danh tiếng của Pháp, họ hiểu và biết cách tôn trọng nghệ thuật, vì thế họ để tôi giữ vững giá trị nghệ thuật của mình, không phải tập trung vào thương mại hay nhận diện thương hiệu. Thực ra cũng không có điều khó khăn nhất, vì làm việc với CHANEL rất trơn tru, chỉ có là khi họ đã để mình thoả mãn tính nghệ thuật, thì mình cũng cần “có qua có lại”, vì thế mà tôi cần lồng ghép khéo léo tinh thần Paris và hơi thở CHANEL vào đó để cuộc hợp tác này cả nghệ sĩ lẫn thương hiệu đều tôn vinh nhau. Thật may là CHANEL Vietnam đã rất thích tác phẩm của tôi.
Đối với bạn điều gì làm nên màu sắc của thơ Nam Thi?
Có lẽ là do nền tảng từ hai hướng kiến thức mà tôi được đào tạo và nghiên cứu đó là Triết học và Văn hoá học. Tôi tốt nghiệp đại học ngành Triết và đang học thạc sĩ Văn hoá học. Ngay từ đầu, tôi xác định mình tiếp nhận những tri thức này là để phục vụ cho năng lực sáng tạo nghệ thuật. Và 2 yếu tố đó đi rất sâu vào cách tôi sử dụng ngôn ngữ Thơ để biểu hình, biểu ý và biểu cảm.
Gần đây nhất bạn có tham gia vào quá trình sản xuất MV “Đôi Mi Em Đang U Sầu” của ca sĩ Đông Nhi với vai trò cố vấn văn hóa. Bạn có thể chia sẻ thêm về công việc này của mình không? Điều gì làm bạn cảm thấy thích thú và nhận lời tham gia vào dự án sản xuất MV “Đôi Mi Em Đang U Sầu”?
Gọi một cách chuẩn xác công việc này của tôi sẽ là Cố vấn ứng dụng văn hoá trong sáng tạo nghệ thuật. Đây là một mảng công việc khá mới, vì thường thì các ekip sẽ tìm đến các nhà sử học hoặc văn hoá học, tuy các chuyên gia có thể đưa rất nhiều thông tin nhưng lại khó chọn hoặc gợi ý hướng sáng tạo một cách cụ thể, do khoảng cách thế hệ hoặc khoảng cách học thuật – giải trí. Tôi rất may mắn lại sống giữa cả hai không gian này nên có thể mở đầu công việc này khi chưa ai làm nó, hoặc đã làm nhưng chưa rõ rệt. Công việc của tôi là cùng các Đạo diễn hoặc Giám đốc Sáng tạo ứng dụng Văn hoá như một yếu tố để giúp tác phẩm mang tinh thần truyền thống nhưng lại có tính thẩm mỹ đương đại và hướng tới tương lai.
Trước đây thì tôi đã cố vấn cho Kẻ Cắp Gặp Bà Già (Hoàng Thuỳ Linh), Đôi Khi (Nodey ft. Suboi), Nam Quốc Sơn Hà (Erik)…và đến với Đôi Mi Em Đang U Sầu của chị Đông Nhi thì mình rất hào hứng bởi đầu tiên mình tin chị Nhi sẽ làm nó thật chỉn chu, tiếp nữa là MV lấy bối cảnh không gian văn hoá Đông Sơn, thời kỳ ít ai động tới. Tôi muốn qua đây để một lần khẳng định với công chúng rằng cái hình ảnh mặc định về người Việt cổ chỉ “đóng khố, cởi truồng” nó lệch lắm. Người Việt cổ có một nền văn minh vượt trội hơn thế.
Làm thế nào để sáng tạo trên văn hóa nhưng vẫn giữ được đúng giá trị bạn đầu của nó? Bạn có lo lắng việc làm mới một điều đã quen thuộc sẽ gây ra nhiều tranh cãi?
Như tôi có chia sẻ bên trên, hoạt động của tôi không phải là tái hiện/ phục dựng bởi hoạt động này đưa Văn hoá trở thành một chủ thể nên đòi hỏi tính chính xác cao. Hoạt động của tôi đưa Văn hoá trở thành một yếu tố để ứng dụng nó vào sáng tạo nghệ thuật hiện đại, có lẽ người xem các MV đó đều hiểu. Để giữ đúng giá trị thì mình phải hiểu rõ về điểm văn hoá mà mình ứng dụng, đặt nó đúng vào không gian/ bối cảnh/ câu chuyện. Nói chung là sẽ giống như việc ta tìm cách thay một cái bình mới cho rượu cũ, chứ không động vào rượu bên trong.
Còn tranh cãi thì cái gì mà chẳng có tranh cãi, có nhiều người phục dựng văn hoá một cách chính xác mà dư luận vẫn còn cãi nhau ầm lên, thì huống gì làm mới. Tuy nhiên, tôi chỉ nghĩ thế này thôi, tri thức là vô hạn, trong quá trình làm tôi có thể có những thiếu sót thì tôi luôn cầu thị học hỏi không ngừng. Thêm nữa, những cái tôi làm là phương thức giúp truyền thống chuyển động, tôi nỗ lực đưa tri thức thoát ly sách vở để đi vào đời sống, kể cả tranh cãi thì nó cũng đã giúp công chúng nhớ về một yếu tố văn hoá nào đó và tập trung tìm hiểu để bàn luận. Thế là tốt mà, tôi hạnh phúc vì đã khuấy động sự lãng quên.
Trong triển lãm thơ “Còn Hôm Nay, Ta Còn Mãi Mãi” bạn đã mang đến bất ngờ cho người tham dự khi kết hợp giữa thơ và nghệ thuật sắp đặt. Từ đâu bạn có ý tưởng cho sự kết hợp độc đáo này? Đây có phải cách mang các bạn trẻ đến gần hơn với thơ Việt Nam?
Đúng vậy, đây là cách mang người trẻ và Thơ đến gần với nhau hơn. Đó là yêu cầu của thời đại. Với sự vận động mạnh mẽ của công nghệ và kỹ thuật số, thời đại thị giác lên ngôi, vậy thì thơ cũng cần mang một hình thái phù hợp với thời đại chứ không chỉ là chữ nằm trên giấy khi xưa nữa. Thơ là loại hình nghệ thuật cổ xưa và thuộc hàng cao nhất của con người, chất thơ nằm trong tất cả môn nghệ thuật, thì ngày hôm nay thơ cũng cần được trao một điều kiện mới để bày tỏ mình như vậy. Còn thực ra, nếu có ai nói rằng, khi thơ thoát ly chữ thì không còn thơ nữa, xin các bạn đừng lo, vì “lá rụng về cội” mà. Bằng những hình thái đương đại, thơ đến gần hơn với đại chúng, thì khi mọi người có niềm yêu thích với thơ, họ sẽ chủ động tìm về hình thái thân thuộc nhất mà thôi.
Đến thời điểm hiện tại, bạn cảm thấy tự hào nhất về điều gì về cuộc sống, công việc của mình?
Thực lòng tôi, tôi hiếm khi tự hào về cuộc sống của mình, thế nên cái “tự hào nhất” thì tôi nghĩ mãi chưa ra. Tôi chỉ vui vì tất cả những gì tôi làm, dù là thực hành thơ hay hoạt động văn hoá, tôi đều lao động tâm huyết và tử tế để những điều tưởng như đã bị thờ ơ, bị quên đi được sống dậy rất từ tốn và trường sức. Và vâng, khi ấy nhiều người dành lời khen cho tôi rằng tôi là một nhân vật tiên phong ở thế hệ mới trong lĩnh vực của mình, thì tôi cũng lấy làm vui rất nhiều dù không dám nhận giá trị to lớn như vậy.
Sắp tới bạn có dự án nào mong muốn chia sẻ cùng chaubuinet không?
Tôi sẽ tiếp tục đưa Thơ của mình sống cùng âm nhạc, hoặc hội hoạ, hoặc các loại hình nghệ thuật khác. Hy vọng sẽ thú vị và được mọi người đón nhận.
Cảm ơn Nam Thi đã dành thời gian cho bài phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc Nam Thi sẽ thành công trong những dự án ở tương lai.