Thư Vũ là nhà sáng lập của Passii – nền tảng ký gửi và mua bán thời trang second-hand nữ trực tuyến. Thư Vũ cũng là người sáng lập Mê Đồ Si Đa – cộng đồng những người yêu thời trang secondhand. Trước đây Thư Vũ từng làm nhiều công việc trong ngành thời trang như cố vấn thời trang.
Làm thế nào để Thư Vũ xây dựng được một hệ thống ký gửi quần áo cũ và thay đổi cách nhìn của khách hàng về đồ secondhand? Câu trả lời sẽ được bật mí trong bài phỏng vấn này.
Những viên gạch đầu tiên của mô hình thanh lý ký gửi trực tuyến
Mình học ngành Fashion Merchandising Management. Ngành học của mình tập trung rất nhiều vào bán lẻ, quản lý chuỗi cung ứng và thời trang bền vững. Lúc đi học mình tình cờ tìm hiểu được các mô hình ký gửi quần áo và kinh doanh thời trang secondhand đang được ưa chuộng trên thế giới nhờ ứng dụng công nghệ và tận dụng mạng xã hội. Mình đã lập một kế hoạch kinh doanh dài tận 60 trang A4 cho một mô hình thanh lý ký gửi trực tuyến ở Việt Nam.
Bản thân mình là một người thích mua đồ ở các garage sales bởi vì vừa tìm được đồ đẹp giá hời, vừa tránh lãng phí, bảo vệ môi trường qua việc tiếp tục sử dụng một món đồ sẵn có. Đồng thời, bạn sẽ có một trải nghiệm mua hàng đầy bất ngờ, rất khác với việc đi vào trung tâm thương mại hào hứng mua, đến khi về nhà thì cảm giác đó biến mất. Mỗi món đồ “thrifted” luôn cho mình cảm giác chiến thắng và câu chuyện mua được chúng như thế nào là điều khiến mình cảm thấy yêu thích và muốn giữ gìn.
Đến năm 2019, mình thử tự tổ chức một buổi garage sales của riêng mình để thanh lý lại quần áo của bản thân và của bạn bè, vừa dọn tủ trước Tết vừa kiếm thêm chút tiền. Sự thật là lúc đó trong túi mình chỉ còn 5 triệu đồng nhưng mình liều đầu tư một sự kiện như vậy. Kết quả như thế nào thì bạn cũng biết rồi đó, buổi garage sales tự phát năm đó bây giờ đã trở thành passii.vn – kế hoạch kinh doanh trên trường ngày nào bây giờ đang dần được hiện thực hoá.
Cơ hội và thách thức ở thị trường đồ secondhand
Cơ hội:
Thị trường đồ secondhand tại Việt Nam hiện tại đang khá hấp dẫn và nhiều cơ hội vì các lý do sau:
Sự thay đổi trong quan niệm của người dùng (nhất là người dùng trẻ thế hệ Z) đối với việc mua sắm đồ secondhand nói riêng và cách lựa chọn, mua sắm sản phẩm thời trang nói chung. Giờ đây, người trẻ mua sắm đồ secondhand không chỉ để tiết kiệm mà còn là một cách để thể hiện lối sống tiến bộ, tiêu dùng có ý thức. Không chỉ chăm chút cho ngoại hình của bản thân mà còn góp phần bảo vệ môi trường qua việc tái sử dụng, kéo dài tuổi thọ của một món quần áo.
Việc mua đồ secondhand đã bắt đầu và sẽ trở thành hành vi tiêu dùng được ưa chuộng trong thời gian sắp tới. Nhiều mô hình kinh doanh thời trang secondhand được công nghệ hóa (digitalized) giúp cho trải nghiệm mua sắm thời trang qua sử dụng được mượt mà hơn, phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của người trẻ sành công nghệ và ưa chuộng mua sắm trực tuyến.
Hiện tại, fashion resales là một trong những lĩnh vực thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư nhờ vào tính bền vững nằm trong giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh và sự tăng trưởng nhanh chóng trong số lượng người dùng, nhất là người dùng thuộc thế hệ Z.
Thách thức:
Ở đây mình bàn đến thách thức cho một start-up mảng re-commerce thời trang muốn mở rộng và phát triển bền vững.
Mỗi platform re-commerce sẽ đối mặt với một bài toán khó khác nhau dựa trên mô hình kinh doanh của từng platform. Nếu như mô hình managed marketplace như Passii gặp thách thức lớn nhất ở việc xây dựng hệ thống quản lý sản phẩm single SKU (mỗi món chỉ có một) thì các mô hình peer-to-peer (nghĩa là người dùng tự trao đổi với nhau thông qua nền tảng giống Shopee, Lazada,…) sẽ gặp các vấn đề liên quan đến xác thực, quản lý chất lượng và cạnh tranh cao với các mạng xã hội hoặc các marketplace khác đã có mặt trên thị trường.
Tạo thói quen cho người dùng: Dù cho càng ngày ý thức về tác hại của tiêu dùng quá mức lên môi trường ngày càng gia tăng, chúng ta cũng đọc được các báo cáo cho kết quả rằng ‘freeship’ mới là yếu tố lớn nhất thúc đẩy người dùng mua hàng, hay các bộ sưu tập đa dạng đến chóng mặt của thời trang giá rẻ. Vì vậy, việc ‘educate’ người dùng và thuyết phục người dùng chọn chậm lại, nghĩ kỹ giữa cơn say nhanh hơn, mới hơn, “trendy” hơn, dễ lãng quên hơn đối với mình là một thử thách. Mình cân nhắc rất nhiều thứ liên quan tới chiến lược và kế hoạch phát triển của Passii để làm thế nào có thể mang giải pháp của mình tới người dùng phổ thông chứ không chỉ người dùng thị trường ngách.
Nhân sự: Thời trang bền vững hay các mô hình kinh doanh theo các quy tắc của kinh tế tuần hoàn vẫn còn rất mới tại Việt Nam. Vì thế, để tìm được nhân sự không chỉ có chuyên môn phù hợp mà còn chia sẻ cùng tầm nhìn và giấc mơ là một thử thách mà các công ty gặp phải.
Những kinh nghiệm mình học được khi điều hành một doanh nghiệp về mua bán đồ secondhand
Một thương hiệu luôn cần sự chỉn chu từ trong ra ngoài
Đối với mình, sự chỉn chu trong xây dựng thương hiệu không phải cứ có tiền là mua được. Chỉn chu trong hình thức được hình thành từ sự không thỏa hiệp với bất cứ điều gì dưới mức chuẩn mình đã đặt ra. Nếu không có ngân sách đủ để hiện thực hoá trí tưởng tượng, mình sẽ tìm bằng được giải pháp mang chất lượng sánh ngang với tiêu chuẩn mình đặt ra từ đầu.
Khác với mọi người thường nghĩ, sự chỉn chu là thứ không thể ‘outsource’. Mình có thể bỏ tiền để thuê các đơn vị làm hình ảnh hàng đầu nhưng nếu thương hiệu thiếu đi giá trị cốt lõi thì hình ảnh dù có đẹp, có chuyên nghiệp cũng sẽ thiếu đi tính chân thực.
Muốn bắt đầu kinh doanh phải hiểu bản thân
Mình nghĩ điều đầu tiên một người cần quan tâm và tìm hiểu trước khi kinh doanh bất kì ngành nghề gì chứ không chỉ thời trang chính là tại sao mình muốn làm việc này ? Tại sao mình muốn kinh doanh chứ không phải là làm điều gì khác? Tại sao là thời trang? Nếu không phải thời trang thì sẽ là gì? Việc hiểu rất rõ lý do vì sao mình bắt đầu và trung thực với lý do đó sẽ giúp bạn dễ dàng sàng lọc, đưa ra những lựa chọn và quyết định phù hợp nhất mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu xung quanh như dư luận, xu hướng hay các yếu tố gây “fomo” khác từ thị trường.
Sau khi hiểu bản thân phải hiểu thị trường
Điều quan trọng tiếp theo chính là nghiên cứu thật kỹ, hiểu rõ thị trường mục tiêu và thị trường kế thừa. Sau 10 năm, 20 năm nữa, tệp khách hàng hiện tại có thể không còn là tệp khách hàng chính của bạn nữa, thay vào đó là những người hiện tại chưa sử dụng sản phẩm và dịch vụ của bạn. Làm thế nào để tới lúc đó thương hiệu vẫn trường tồn bền vững là một điều vô cùng quan trọng vì chúng ta đâu chỉ muốn kinh doanh một năm hai năm, chúng ta muốn đi trên một con đường dài, rất dài.
Quản lý thương hiệu cần thấu cảm con người
Đối với mình, để quản lý tốt một thương hiệu mình cần hiểu con người thương hiệu. Con người đó được sinh ra như thế nào, trong điều kiện gì, ước mơ của con người đó là gì, con người đó quan tâm tới những vấn đề gì, con người đó được chào đón ở những cộng đồng nào,…. Khi xây dựng một thương hiệu như thế, thương hiệu đương nhiên sẽ có cá tính riêng và không sa vào bẫy phải thay đổi vì xu hướng.
Vị trí và vai trò của lãnh đạo quyết định sự thành công
Vì mình tìm khách hàng trước khi xây dựng sản phẩm nên thời gian đầu mình không gặp khó khăn liên quan tới vấn đề người dùng. Số lượng người biết đến thương hiệu những ngày đầu đủ để thương hiệu sống sót và bò chầm chậm. Thời gian đó, lúc nào mình cũng tràn trề cảm hứng vì ít áp lực hơn.
Khó khăn lớn nhất thời điểm đó có lẽ đến từ mình ở vị trí một người quản lý, một người lãnh đạo không có nhiều kinh nghiệm, không có kế hoạch đường dài và hay đặt lợi ích của bản thân lên trước nhất. Điều đó khiến cho đội ngũ đầu tiên của mình rời đi gần hết. Những người ở lại là những người khiến mình nhận ra bây giờ mình không còn làm mọi thứ một mình nữa, luôn phải đặt quyền lợi của tập thể lên trước rồi mới tới bản thân mình.
Đồ secondhand góp phần mở rộng mô hình thời trang bền vững
Mua đi bán lại quần áo đã qua sử dụng đương nhiên không phải là một giải pháp hoàn hảo và triệt để. Thế nhưng, đây là bước đi đầu tiên và chắc chắn để mở rộng thị trường cho các mô hình thời trang bền vững khác. Mình hy vọng những khách hàng ngày hôm nay bán đi những món đồ giá rẻ để mua những sản phẩm chất lượng secondhand sẽ là người trong tương lai ưu tiên lựa chọn những thương hiệu uy tín để giữ gìn. Đó là ý nghĩa đường dài của mô hình luân chuyển quần áo, giúp một món đồ có thể tới tay nhiều người hơn. Khi đó những món đồ kém chất lượng, làm ra chỉ để mặc một hai lần chắc chắn sẽ không còn nằm trong danh sách đầu tư của những khách hàng thông minh và nhạy bén nữa.
Bạn có thể thấy thị trường secondhand rất rộng mở và có nhiều cơ hội phát triển. Không chỉ mô hình thanh lý, ký gửi mà còn rất nhiều mô hình kinh doanh đồ secondhand khác mà bạn có thể lựa chọn phù hợp với nguồn lực của bản thân. Chúc bạn sẽ tìm được có hội kinh doanh phù hợp trong thị trường đồ secondhand và phát triển thành công nhé!
Cảm ơn Thư Vũ đã dành thời gian chia sẻ những thông tin rất hữu ích cho các bạn trẻ. Chúc Thư Vũ và Passii sẽ ngày càng thành công trong tương lai.