Đã gần hai năm kể từ lần cuối Chaubuinet trò chuyện cùng chị Hà Đỗ. Gặp gỡ Chaubuinet lần này, chị Hà Đỗ vẫn xuất hiện với một phong thái chuyên nghiệp cùng một tình yêu lớn với nghệ thuật nhưng chị đã mang đến những câu chuyện mới trên một vai trò mới.
Elle Decoration đánh dấu 10 năm xuất hiện ở Việt Nam bằng sân chơi nghệ thuật (lần thứ 2) mang tên The Story of our time với mục tiêu tạo kết nối cộng đồng yêu văn hóa, nghệ thuật, thiết kế. Hợp tác cùng Elle Decoration, chị Hà Đỗ lần đầu tiên ra mắt công chúng trên cương vị là Nghệ sĩ thị giác với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Meditation Room”.
Chị Hà Đỗ đã luôn truyền cảm hứng cho Châu và rất nhiều bạn trẻ về sự biến đổi không ngừng của cuộc sống và giới hạn của bản thân mỗi người. Sau hai thập kỷ hoạt động trong ngành sáng tạo, chị vẫn không ngừng khám phá mình, tìm những phương thức mới để tiếp cận với niềm đam mê theo nhiều cách khác nhau.
Cùng lắng nghe cuộc trò chuyện giữa Chaubuinet và chị Hà Đỗ trên cương vị là một nghệ sĩ thị giác nhé!
Chị từng chia sẻ với Chaubuinet rằng “thấy may mắn khi vẫn giữ được cái ngốc nghếch khờ dại như khi mới đi làm để mình muốn khám phá mọi thứ” Liệu có phải đây là lý do chị đã hợp tác cùng Elle Decoration cho dự án The Story of our time trên cương vị nghệ sĩ thị giác – một vai trò hoàn toàn mới của chị?
Nghệ thuật là nơi mà tôi tìm thấy chính mình bởi tôi luôn tâm niệm rằng tác phẩm tốt hơn là tác phẩm mình chưa được làm. Tôi đến với nghệ thuật từ sự tò mò và khờ dại của tuổi trẻ và tôi luôn mong mình được sống với nghệ thuật với đúng tinh thần ấy dù ở bất kỳ vai trò nào.
Dự án The story of our time cùng sự hợp tác với Elle Decoration lần này đã đến với chị như thế nào? Và đâu là nguồn cảm hứng chính cho tác phẩm của chị?
Tôi đã từng nghiên cứu về nghệ thuật sắp đặt hình khối, không gian, ánh sáng,… từ khi còn rất trẻ nhưng đến năm nay, sau hơn 20 năm ấp ủ, khi cảm thấy mình cũng đã sẵn sàng, tôi đồng thời nhận được lời mời từ Elle Decoration và tôi đã đồng ý ngay lập tức.
Khi nhận được được đề bài từ Elle Decoration về chủ đề “The Story of Our Time”, tôi nghĩ đến câu chuyện của chính mình, về tính nữ trong chính con người mình. Tôi lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Judy Chicago và Georgia O’Keeffe để phát triển một phác thảo của mình từ năm 2005 và hoàn thành một căn phòng mang tên Meditation Room.
Tại sao chị quyết định tham gia dự án? Liệu có phải vai trò giám đốc sáng tạo đã không còn mang đến cho chị những cảm xúc mới mẻ?
Tôi nghĩ hai chữ “sáng tạo” đã bao hàm hết những mong muốn của tôi khi làm nghề. Mỗi giai đoạn trong cuộc sống, những tác phẩm và dự án tôi tham gia đều phản chiếu tâm tư, tư duy và những xúc động thẩm mỹ của tôi theo thời gian. Những cảm xúc ấy lúc nào cũng luôn mới mẻ và đong đầy.
Trong 20 năm làm nghề, vốn là người “đứng sau hậu trường”, giờ chị đã “đứng trước spotlight” rồi. Cảm xúc chị có nhiều thay đổi?
Thật ra tôi vẫn thấy thoải mái khi mình được đứng phía sau sân khấu hơn việc mình là một người của công chúng. Cũng đã có những người em từng nói với tôi rằng chị là một biểu tượng trong lòng các em nhưng với tôi thì tôi luôn quan niệm tôi làm nghề này vì tôi yêu nghệ thuật và cảm xúc tuyệt vời nhất với tôi là khi thấy các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến nghệ thuật nhiều hơn. Điều đó giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
Chị thấy mình là người thiên lý trí hay cảm xúc? Quyết định rẽ sang một hướng khác này có phải là một quyết định đến từ cảm xúc?
Tôi luôn mong muốn mình sẽ thực tế với tất cả những tác phẩm và dự án sáng tạo của mình. Đối với một người làm nghệ thuật thì chắc chắn tôi phải nuôi những cảm xúc, và sẽ cố gắng truyền tải tốt nhất những ý tưởng của mình đến khán giả. Việc có thêm một vai trò mới tôi nghĩ không phải là sự chuyển hướng mà đơn giản là tôi đang tiếp cận với niềm đam mê của mình theo nhiều cách khác nhau. Biết đâu trong thời gian tới đây, mọi người còn có thể thấy tôi ở những vai trò khác nữa.
Vốn người ham thích việc vẽ vời, đây là công việc mà chị đã luôn chờ một thời điểm phù hợp để thực hiện?
Vẽ giống như một ngôn ngữ cơ bản mà bất kỳ người làm nghệ thuật nào cũng cần biết. Khi mình vẽ là khi mình nói ra những suy nghĩ, tưởng tượng của mình cho người khác được thấy. Giống như việc tập viết, tôi dành nhiều thời gian để tập vẽ và hoàn thiện nét vẽ của mình từ những ngày bắt đầu công việc cho tới hiện tại. Gần đây, tôi có tham gia một buổi workshop với designer artist Bill Bensley, tôi nhận ra rằng việc trau dồi nghệ thuật là một công việc mình cần làm mỗi ngày thay vì chờ đợi một thời điểm nào đó cụ thể.
Chị có thấy bản thân mình là một người có nhiều nhân bản? Đâu là sự khác – giống giữa các phiên bản Hà Đỗ?
Có rất nhiều điểm khác nhau mà nếu đặt lên bàn cân so sánh sẽ khập khiễng vô cùng. Nhưng tất cả những phiên bản ấy đều có một điểm chung là có niềm đam mê với nghệ thuật. Điều đó không thể thay đổi.
Những công việc trước có ý nghĩa như thế nào với công việc này của chị?
Sau quá trình làm việc với rất nhiều vai trò khác nhau, điều tôi có được nhiều nhất ngoài kinh nghiệm là những người cộng sự, đồng đội hiểu mình và có thể giúp tôi hiện thực hóa những ý tưởng trong đầu. Tôi vô cùng trân trọng điều đó.
Thực tế thì trong xã hội hiện đại, rất nhiều người lựa chọn luôn làm mới mình, thử mình trong nhiều vị trí. Dẫu vậy chị có nghĩ rằng ai cũng có những giới hạn? Liệu một đời người sẽ có mấy lần “debut”?
Tôi nghĩ rằng việc làm mới mình là việc vô cùng cần thiết, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Giới hạn của mình là do chính mình đặt ra, tôi nghĩ không quan trọng mình có thể debut bao nhiêu lần, quan trọng là mình debut như thế nào, có chất lượng không, có hết mình không.
Tôi thuộc tuýp người thích thử thách bản thân mình. Nếu làm nghệ thuật có thể làm theo công thức hoặc theo trình tự hay công thức cụ thể để đơn giản hoá đi thì tôi nghĩ sẽ không còn sự thú vị nữa.
Theo chị đâu là những “dấu hiệu” để biết rằng chúng ta đã sẵn sàng cho những giới hạn mới?
Tôi không dám chắc. Thật ra khi triển lãm được mở ra, tôi vô cùng hồi hộp khi mời bạn bè và người thân đến xem tác phẩm của mình. Thậm chí tôi không dám hỏi xem ý kiến của mọi người như thế nào, chỉ mong là mọi người có thể đồng cảm được, hiểu được câu chuyện mà tôi muốn kể. Những gì tôi làm hôm nay, không phải là những thứ tôi chuẩn bị trong 1 tuần hay 2 tuần tiền kỳ mà là tất cả những gì tôi đã học hỏi và trau dồi trong suốt những năm từ khi còn đi học đến khi đi làm. Chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ từ đầu rồi, chúng ta vốn đã luôn sẵn sàng chỉ là chưa đủ can đảm thôi.
Là một người không ngừng làm mới mình, theo chị những người trẻ nên trang bị những kỹ năng gì để phát triển trong một xã hội biến đổi không ngừng như bây giờ?
Đó là một thái độ cầu thị. Tôi thấy các bạn trẻ hiện này rất giỏi, cá tính và quyết đoán, sáng tạo không giới hạn hơn lứa của chúng tôi nhưng điều đó không có nghĩa là những giá trị cũ là vô nghĩa. Những giá trị này là những bài học cốt lõi để các bạn trẻ có thể phát huy, kế thừa và làm tốt hơn chúng tôi trong thời kỳ của các bạn.
Công chúng có thể kỳ vọng gì ở “nghệ sĩ thị giác Hà Đỗ” sau dự án The Story of our time này?
Tôi không dám hứa hẹn quá nhiều, chỉ có thể nói rằng Hà Đỗ sẽ luôn cố gắng để làm việc hết mình trong nghệ thuật, cố gắng tạo ra nhiều sân chơi, truyền cảm hứng có những nghệ sĩ mới. Không gì tuyệt hơn khi chúng ta đưa nghệ thuật ứng dụng vào không gian sống và tôi tin không gian văn hoá sẽ ngày càng khởi sắc trong tương lai.
Cảm ơn chị Hà Đỗ cùng những chia sẻ đầy cảm hứng trong việc. Chaubuinet chúc chị nhiều thành công với các dự án mới trong tương lai.