`Nếu muốn tìm hiểu và cập nhật kiến thức cũng như những thông tin, xu hướng thời trang qua góc nhìn chuyên môn, Trí Minh Lê là một cái tên nên xuất hiện trong danh sách theo dõi của bạn. Ngoài là một Fashion Blogger uy tín với những quan điểm thẳng thắn, gần gũi với giới trẻ, Trí Minh Lê còn là cây viết thời trang quen thuộc trên các trang thông tin điện tử cùng với Podcast Phiếm Thời Trang mang đến nhiều nguồn thông tin chất lượng cho các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận kiến thức thời trang.
Hòa vào sức nóng của Tuần lễ Thời trang Thu-Đông 2023, Trí Minh Lê đã có cuộc trò chuyện và chia sẻ với chaubuinet những điều thú vị về Fashion Week cũng như xu hướng của ngành thời trang Việt Nam và thế giới hiện nay. Các tín đồ thời trang chắc chắn không thể bỏ lỡ bài phỏng vấn này nhé!
Anh hãy dự đoán một xu hướng thời trang 2022 chắc chắn sẽ “tái xuất” trên sàn diễn Fashion Week 2023.
Y2K. Nhiều chuyên gia thời trang trên thế giới đều nhận thấy rằng Y2K là từ khóa của năm 2022. Thời trang là một vòng lặp và trong giai đoạn 2020 – 2022 có rất nhiều phong cách được lấy cảm hứng từ những thập niên trước. Có thể thấy ngay trong các sàn diễn thời trang mùa Xuân 2023 hoặc Ready-to-wear đến từ nhiều thương hiệu, các cảm hứng lấy từ văn hóa đại chúng trong giai đoạn 2000 vẫn hiện diện cho nên chắc chắn rằng trong năm nay chúng ta vẫn sẽ tiếp tục trải nghiệm những thứ “cũ nhưng mới – mới nhưng cũ” đến từ các thương hiệu thời trang. Đâu đó vẫn có sự hiện diện của denim, của những kiểu quần cạp trễ, fashion item cảm hứng từ nội y…
Sự “Tái xuất” này nằm trong định hướng của các tập đoàn chủ quản những thương hiệu thời trang hàng đầu như LVMH hay Kering Group. Họ nhấn mạnh phải cân bằng được những thiết kế mới mang tính sáng tạo của Giám đốc Sáng tạo đương thời nhưng vẫn giữ được các giá trị “timeless” (vượt thời gian) của thương hiệu – đó là một bài toán phát triển an toàn. Chúng ta có thể thấy những chiếc áo tweed hay classic bag của Chanel, quần jean của Levi’s, giày Converse luôn nằm trong tủ đồ ở bất kì thế hệ nào.
Xu hướng ngày nay dưới sự hỗ trợ của truyền thông trở nên đa dạng và tiếp cận người dùng rất nhanh. Nhiều khi chúng ta chưa thẩm, chưa trải nghiệm được hết “xu hướng” này thì một “xu hướng” khác đã mọc lên và thu hút đối tượng xem ngay lập tức. Cho nên đó là lí do để chọn tiếp từ “Y2K” – một cột mốc thời gian, một cột mốc văn hóa đại chúng để trả lời cho câu hỏi này.
Đâu là những thương hiệu yêu thích của anh ở sàn diễn Fashion Week hàng năm?
Không có một câu trả lời rõ ràng từ phía mình vì mình thường thích 1-2 looks trong từng bộ sưu tập theo góc nhìn cá nhân. Mỗi một năm sẽ có một hai điểm nhấn đến từ các thương hiệu khác nhau và trong số đó mình sẽ bị ấn tượng bởi câu chuyện, cách làm truyền thông, sàn diễn sáng tạo và tính thiết kế của sản phẩm. Ví dụ như mọi người sẽ quan tâm và yêu thích chiếc váy “made in the stage” của nhà Corpeni với model là Bella Hadid – nhưng thực ra các phần còn lại của bộ sưu tập không phải ai cũng thích.
Thời điểm hiện tại mình yêu thích những nhà thiết kế trẻ, những nhà thiết kế độc lập nhiều hơn. Họ đang trong con đường muốn có được sự quan tâm nhiều nhất của các chuyên gia, của thị trường nên độ mới lạ, thử nghiệm và chất xám được đầu tư vào rất nhiều. Gần đây phải nhắc tới cái tên Robert Wun với màn ra mắt sàn diễn đầy ấn tượng, hay cái tên Ludovic de Saint Sernin với sự gợi cảm đến phóng túng. Mình cũng đang mong đợi sự trở lại của nhà thiết kế gạo cội Phoebe Philo.
Sau những năm dịch bệnh, anh nhận xét thế nào về chuyển biến của ngành thời trang?
Một điểm gãy, một điểm reset. Dịch bệnh diễn ra làm thay đổi về cách thức phân phối, thiết kế và cả tập tính của khách hàng nữa. Trong 2 năm cách ly thì sự thay đổi trong việc ăn mặc cũng khác đi rất nhiều. Thực dụng hơn – thoải mái hơn – tập trung vào cách mặc đồ thực tế nhiều hơn. Màu sắc tối giản cũng được ưa chuộng rất nhiều nếu so với giai đoạn trước là biglogo và logomania, ngay cả logomania hiện tại cũng phải tinh tế hơn rất nhiều. Người ta lại quay trở về những kiểu đồ may đo và tập trung vào cách phối đồ để tạo độ thu hút nhiều hơn. Các thương hiệu thời trang giờ đây không chỉ tập trung bán từng items mà thứ họ ưu tiên bán là hệ sinh thái. Điều này trước giờ vốn đã diễn ra nhưng giờ đây nó được tập trung đẩy mạnh trên truyền thông hơn – thông qua những người nổi tiếng, các Đại sứ thương hiệu.
Anh nhận xét gì về cách các tín đồ trong nước cập nhật xu hướng thời trang quốc tế?
Các bạn ngày nay cập nhật rất nhanh – nhưng hầu hết là follow theo dạng “Copy-Paste” (sao chép) hoặc “Inspired” (lấy cảm hứng) từ các nhà sáng tạo nội dung thời trang trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy nó rất “Cưỡi ngựa xem hoa”. Căn bản việc ăn mặc của người khác là sự tự do nhưng vốn dĩ nền tảng thời trang của chúng ta còn chưa vững mà rơi đúng điểm trượt của những nền tảng mạng xã hội bùng phát quá nhanh. Song song tiêu chuẩn cuộc sống của người dân Việt cũng ngày càng tốt lên và nhu cầu mặc đẹp hơn, thời trang hơn. Các tín đồ dễ dàng bị thu hút bởi nhiều xu hướng mà không có quá nhiều thời gian để nghiên cứu và thể hiện nó đúng nhất. Nó không cần thiết là “Phải hiểu rõ cội nguồn, lịch sử” mà chỉ đơn giản cần biết là “Mình đang mặc cái gì?”. Thế nên mới ra các trường hợp oái oăm như hiện nay.
Những gương mặt Việt xuất hiện tại Fashion Week quốc tế có chứng minh được ngành thời trang Việt Nam đang phát triển đúng hướng?
Có và không.
Có ở đây đó là việc xuất hiện những người nổi tiếng thuộc Tier A và A+ tại Việt Nam trên các runway show quốc tế cho thấy các nhãn hàng bắt đầu quan tâm hơn vào thị trường Việt Nam. Nó cũng được chứng minh khi nhiều flagship/concept store của các thương hiệu nổi tiếng xuất hiện tại Việt Nam nhiều hơn. Nhưng điều đó chỉ chứng tỏ rằng sức mua của thị trường Việt Nam đang tiềm năng và sẽ phát triển trong giai đoạn sắp tới. Nhận thức của người dân về đồ thương hiệu và mức độ chi tiêu cao hơn để đủ thuyết phục được các thương hiệu lớn.
Các local brands ở Việt Nam cũng phát triển rất nhiều và được đón nhận tại thị trường nội địa. Điều này chứng minh một phần về thị trường cũng như khả năng sản xuất của các thương hiệu thời trang. Đồng thời, Việt Nam dần có những tên thương hiệu nội địa xuất hiện tại các web-retailer lớn của thế giới như Farfetch, Ssense. Đây là điều chứng tỏ chúng ta đang phát triển có hướng.
Không ở đây đó là tất cả những thứ trên chỉ là ở phương diện kinh tế. Ngành thời trang Việt Nam bao gồm rất nhiều yếu tố khác nhau: thương hiệu, dây chuyền sản xuất, người tiêu dùng, người ảnh hưởng, cách tiếp nhận thời trang, sự kiện thời trang. Các gương mặt Việt xuất hiện ở Fashion Week quốc tế chỉ thể hiện được sự quan tâm của global brand còn nội tại của chúng ta chưa thể hiện được nhiều.
Người mẫu là một trong những khía cạnh căn bản của thời trang, trong những năm qua chúng ta có những cái tên xuất hiện trên sàn diễn thế giới. Đó là niềm tự hào nhưng cũng đặt câu hỏi ngược lại, người mẫu đó vốn dĩ không được “trọng dụng” quá nhiều tại thị trường Việt Nam nhưng lại vô cùng thành công ở nước ngoài khi tham gia một tổ chức agency quốc tế. Vậy phải chăng ngành thời trang Việt Nam đang phát triển đúng hướng? Tại sao chúng ta có quá ít những cái tên xuất hiện tại runway quốc tế? Có chăng nền tảng Việt Nam còn chưa vững?
Tương tự, các thương hiệu xuất hiện tại quốc tế nhưng chưa chắc là được đón nhận nhiệt liệt tại Việt Nam, thậm chí còn ở một khoảng thị trường rất ngách. Mức độ mở lòng của thị trường Việt đã mở nhưng có quá cởi mở hay không? Hay vẫn còn những sự so sánh nhất định? Và các chương trình thời trang Việt Nam có thật sự khiến người khác yêu thời trang hơn không? Những câu hỏi lớn vẫn diễn ra ở đó theo nhiều năm.
Anh nhận xét thế nào về sự hội nhập của ngành thời trang Việt Nam với làng thời trang thế giới? Đó là quá trình chủ động hay bị động?
Chủ động cá nhân và bị động toàn thể.
Những cá nhân có được sự thành công với làng thời trang thế giới thực ra đều là những sự chủ động cá nhân – từ việc thay đổi định hướng, phát triển và kết nối.
Bị động toàn thể là chúng ta còn cập nhật những xu hướng nước ngoài và bị chậm so với thế giới khoảng nửa năm. Thứ hai là chúng ta bị động trong sản xuất, trong công nghệ, trong nguồn vải. Việt Nam hiện tại đang là một trong những công xưởng may của thế giới, nhưng đó là ở thế bị động (nhận đơn, sản xuất, giao đơn), phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu nước ngoài.
3 từ để miêu tả về cá tính thời trang Việt hiện nay?
“Chaotic” (hỗn độn)
“Fast” (nhanh)
“Diversity” (đa dạng)
Vietnam Fashion Week cần cải thiện những gì để nâng tầm hơn với các Fashion Week quốc tế?
Tái cấu trúc.
Tái hệ thống.
Tái mục đích.
Cảm ơn Trí Minh Lê đã tham gia phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc bạn luôn thành công trên con đường sự nghiệp của mình.